Mít tinh kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (8/5)

Sáng nay (7/5), tại Hà Nội, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức Lễ mít tinh kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế (8-5) với chủ đề “Bạn có biết? Chữ thập đỏ – Vì mọi người, ở mọi nơi” và phát động chương trình Hiến máu nhân đạo. Ðây là dịp để những người làm công tác nhân đạo trên thế giới tự hào ôn lại truyền thống lịch sử lâu đời của Phong trào Chữ thập đỏ, tiếp tục khẳng định và phát huy vai trò, tổ chức các hoạt động nhân đạo trợ giúp những người dễ bị tổn thương nhất trong cộng đồng thông qua mạng lưới cán bộ, tình nguyện viên đông đảo khắp toàn cầu.

Tham dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí lãnh đạo Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, đại diện Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, Hiệp Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, các Hội quốc gia tại Việt Nam; đại diện lãnh đạo Viện Huyết học Truyền máu Trung ương, đại diện Bộ Y tế, đại diện lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ một số tỉnh, thành phố, cùng đông đảo cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ Trung ương, thành phố Hà Nội và Chi hội Tình Người.

 

PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu – Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao quà cảm ơn các đối tác trong Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế

Chủ đề của Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế năm nay còn có thêm dòng tiêu đề phụ: “Bạn có biết!”. Với thông điệp này, Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế năm nay hướng tới thể hiện sự đa dạng và sáng tạo của mỗi Hội quốc gia trong việc tiếp cận giải quyết thách thức nhân đạo hiện nay, đồng thời xóa bỏ quan niệm hoạt động trọng tâm của Phong trào chỉ tập trung vào một số lĩnh vực nhất định như: Sơ cấp cứu, hiến máu và ứng phó thảm họa. Thông qua chủ đề của Ngày 8/5 năm nay các Hội quốc gia trên toàn cầu tiếp tục quảng bá một cách rõ hơn, đầy đủ hơn, thuyết phục hơn về các hoạt động phong phú, đa dạng của Phong trào, hướng tới mục tiêu “Vì mọi người, Ở mọi nơi“, qua đó vận động các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ ở mỗi nước tham gia hoạt động nhân đạo, trở thành tình nguyện viên của Phong trào.

 

PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, phát biểu tại Lễ mít tinh

Phát biểu tại lễ mít tinh, PGS.TS Nguyễn Thị Xuân Thu, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cho biết, tại Việt Nam, những năm gần đây, phương thức hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ các cấp từ Trung ương đến địa phương ngày càng có nhiều đổi mới, sáng tạo, đa dạng, phong phú, thiết thực trợ giúp những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã hội. Với vai trò là 1 trong 190 Hội quốc gia thành viên của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, trải qua hơn 70 năm hoạt động và trưởng thành, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam là thành viên có uy tín và có những đóng góp tích cực đối với Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, phối hợp triển khai có hiệu quả các chương trình thuộc nhiều lĩnh vực như: Chăm sóc sức khỏe, cứu trợ xã hội, phòng ngừa và ứng phó thảm họa… Chỉ riêng năm 2016, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam tiếp tục triển khai 35 khoản viện trợ phi chính phủ nước ngoài với tổng ngân sách đạt gần 117 tỷ đồng, trong đó có hơn 77 tỷ đồng từ các đối tác thuộc Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng Lưỡi liềm đỏ quốc tế tài trợ, chiếm 66%.

Ở mọi nơi trên thế giới, Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm quốc tế luôn sẵn sàng có mặt vì cộng đồng. Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ xuất hiện ở mọi nơi như một biểu tượng nhân đạo giúp đỡ những người dễ bị tổn thương nhất trong mọi hoàn cảnh – từ thiên tai, thảm họa đến các tình huống xung đột vũ trang. Hiện nay, Phong trào hiện diện ở 190 quốc gia với 17 triệu tình nguyện viên trợ giúp hơn 160 triệu người có hoàn cảnh khó khăn mỗi năm.

Tại Việt Nam, những năm gần đây, phương thức hoạt động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ các cấp từ Trung ương đến địa phương ngày càng có nhiều đổi mới, sáng tạo, đa dạng, phong phú các mô hình thiết thực trợ giúp những đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong xã hội. Đó là: Dự án “Ngân hàng bò” với hình thức trợ giúp bò giống cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn được triển khai sâu rộng ở 63 tỉnh, thành trong cả nước; Đó là Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, là mô hình “Đội cấp cứu sông Lô” (Tuyên Quang) với các thành viên được tập huấn kỹ năng, trang bị phương tiện, thiết bị phục vụ cứu hộ, cứu nạn đường thủy và tham gia phòng ngừa, ứng phó trong các tình huống thiên tai, thảm họa; là các mô hình “tuyến phố hiến máu”, “dòng họ hiến máu”, “Câu lạc bộ 25”…đã huy động, thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân ở các lứa tuổi khác nhau. Lực lượng hiến máu đa dạng về nghề nghiệp, là lãnh đạo chính quyền địa phương, các cán bộ, công chức, trong doanh nghiệp, lực lượng vũ trang, lao động tự do…Ngày hiến máu tình nguyện thực sự trở thành ngày hội của cộng đồng dân cư.

Nhấn mạnh về sự phát triển của Phong trào quốc tế, Bà Chérine Pollini– Trưởng Văn phòng đại diện Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế tại Hà Nội khẳng định: “Ngày nay, phong trào Chữ Thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ đã trở thành một mạng lưới nhân đạo lớn nhất bao phủ khắp toàn thế giới. Đây là một cơ quan trung lập và vô tư với sứ mệnh là làm giảm bớt đau khổ của con người, bảo vệ tính mạng, sức khoẻ và nhân phẩm của con người, đặc biệt là trong các tình huống xung đột vũ trang và các thảm họa khác”.

Sau lễ mít tinh, các đại biểu là cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ TP Hà Nội và Câu lạc bộ 25 (Câu lạc bộ Hiến máu trực thuộc Trung ương Hội) đã hưởng ứng tham gia Chương trình Hiến máu nhân đạo.

 

Tiết mục văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm Ngày Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế 8/5/2017

 

 

Nguồn: redcross.org.vn

Tin khác

Related Post